Chi tiết dịch vụ khám tầm soát một vài bệnh lý trước và sau sinh hiệu quả

Nhằm mục đích nâng cao chất lượng dân số, các xét nghiệm tầm soát trước sinh và sau sinh giúp cho việc phát hiện và xử trí sớm các bệnh lý gây gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Phụ nữ mang thai nên tham khảo và trao đổi với các nhân viên y tế về các xét nghiệm tầm soát này nhằm có một đứa con khỏe mạnh.https://s-media-cache-ak0.pinimg.com/736x/33/a2/1c/33a21c41d285da85bd47174a1f4a3a95.jpg

I.TẦM SOÁT TRƯỚC SINH

      1.Tầm soát trước sinh là gì?

Tầm soát trước sinh là một số các chương trình sử dụng khám lâm sàng, hỏi tiền sử, siêu âm hay xét nghiệm máu cho phụ nữ mang thai nhằm để đánh giá nguy cơ thai mang trong bụng có khả năng hay có nguy cơ mang dị tật bẩm sinh hay không. Tầm soát trước sinh không phải là phương tiện để chẩn đoán hay để quyết định chấm dứt thai kỳ. Do đó khi có kết quả tầm soát là có “nguy cơ cao” thì cần phải làm thêm xét nghiệm để xác định chẩn đoán.

2.Tầm soát trước sinh được thực hiện như thế nào?

2.1 Hỏi bệnh sử

Hỏi bệnh sử có thể giúp các nhân viên y tế định hướng được một số bệnh di truyền thường gặp như bệnh lý thiếu máu Thalassemia hay bệnh lý máu không đông Hemophilia. Nhân viên y tế có thể qua thăm hỏi tiền căn mang thai, tiền căn bệnh tật bản thân hay của gia đình để vẽ cây phả hệ qua đó có thể tư vấn các loại xét nghiệm nào cần được làm tiếp theo.

2.2 Tầm soát các bất thường nhiễm sắc thể

Hội chứng Down là gì?

Hội chứng Down là do thừa một nhiễm sắc thể 21 gây ra một loạt các dị tật bẩm sinh như 50% trẻ có bất thường ở tim như thông liên thất, hẹp tá tràng và đặc biệt là gây chậm phát triển trí tuệ là một gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội. Các trẻ mắc hội chứng Down không thể điều trị dứt điểm hoàn toàn được mà chỉ điều trị triệu chứng. Tần suất mắc hội chứng Down trong dân số là 1/700 có nghĩa là cứ 700 phụ nữ mang thai thì có khả năng có 1 phụ nữ mang thai mắc hội chứng Down. Một số yếu tố làm tăng khả năng mắc hội chứng Down như mẹ lớn tuổi hay bố mẹ mang bất thường nhiễm sắc thể. Khả năng mang thai mắc hội chứng Down của phụ nữ ở độ tuổi 20, 35 và 40 tuổi lần lượt là 1/1500, 1/350 và 1/100.

Những ai cần được tầm soát hội chứng Down?

Tất cả phụ nữ mang thai nên được tầm soát hội chứng Down. Những phụ nữ có nguy cơ quá cao như lớn tuổi (lớn hơn 40 tuổi), bố mẹ mang bất thường nhiễm sắc thể thì nên làm xét nghiệm chẩn đoán luôn mà không cần phải tầm soát.

Các xét nghiệm nào dùng để tầm soát hội chứng Down và giá trị của chúng?

Tầm soát hội chứng Down ở 3 tháng giữa bằng xét nghiệm triple test. Đây là xét nghiệm lấy máu phụ nữ mang thai với 3 chất βhCG, estriol và αFP trong thời điểm từ tuần 14 đến 20 của thai kỳ. Kết quả của các xét nghiệm này được tính toán và phân tích để đưa ra một con số nguy cơ. Ví dụ như kết quả nguy cơ 1/200 có nghĩa là cứ 200 phụ nữ mang thai giống như họ sẽ có 1 phụ nữ mang thai mắc hội chứng Down còn 199 phụ nữ còn lại sẽ không mang thai mắc hội chứng Down. Thông thường các phòng xét nghiệm chọn mốc 1/250 là ngưỡn cắt để xác định nguy cơ cao hay thấp. Nếu nguy cơ của xét nghiệm lớn hơn 1/250 thì thai này được xem là có nguy cơ cao.

Thai có nguy cơ cao mắc hội chứng Down không đồng nghĩa với thai mắc hội chứng Down nên cần phải làm thêm xét nghiệm nước ối để xác định chẩn đoán. Nếu nguy cơ của xét nghiệm nhỏ hơn 1/250 thì thai này được xem là có nguy cơ thấp mắc hội chứng Down chưa cần phải làm xét nghiệm chẩn đoán. Tuy nhiên, giá trị chẩn đoán của xét nghiệm triple test chỉ có 70%, có nghĩa là trong nhóm phụ nữ mang thai làm xét nghiệm có 10 người mang thai mắc hội chứng Down thì xét nghiệm này chỉ có thể tìm được 7 người do đó những người có kết quả có nguy cơ thấp cũng không thể đảm bảo 100% con họ không mắc hội chứng Down.

Tầm soát 3 tháng đầu bằng xét nghiệm kết hợp sinh hóa và siêu âm đo khoản mờ vùng gáy (NT). Đây là chương trình tầm soát xét nghiệm 2 chất PAPP-A và βhCG tự do trong máu thai phụ kết hợp với siêu âm đo khoản mờ vùng gáy trong thời điểm từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Kết quả cũng được tính toán và đưa ra chỉ số nguy cơ tương tự như triple test. Giá trị chẩn đoán của xét nghiệm kết hợp này thay đổi từ 85 đến 90% nên những người có nguy cơ thấp thì không cần phải làm lại xét nghiệm tầm soát triple test ở 3 tháng giữa. Những người có nguy cơ cao thì sẽ được tư vấn thực hiện xét nghiệm chẩn đoán sinh thiết gai nhau hoặc có thể chờ đến 16 tuần để làm xét nghiệm nước ối.

Xét nghiệm chẩn đoán là gì?

Các xét nghiệm chẩn đoán là các xét nghiệm di truyền giúp xác định thai có mắc hội chứng Down hay không.

Có các thủ thuật nào để lấy mẫu xét nghiệm?

Có những thủ thuật sau để lấy mẫu xét nghiệm:

-         Xét nghiệm nước ối: Là xét nghiệm dùng một kim chọc vào buồng ối dưới hướng dẫn của siêu âm và hút khoản 20 ml nước ối. Trong nước ối có các tế bào ối của thai nhi nên có thể xét nghiệm các bất thường về di truyền. Xét nghiệm nước ối được thực hiện từ tuần thứ 16 của thai kỳ. Xét nghiệm này không nên thực hiện sớm hơn 16 tuần do khả năng gây sẩy thai cao. Xét nghiệm nước ối có thể có một số tai biến như xuất huyết, rỉ ối, chạm thai và nặng nề nhất là có thể gây sẩy thai. Tỷ lệ sẩy thai sau khi chọc ối là 1/500 có nghĩa là cứ khoản 500 thai phụ làm xét nghiệm nước ối thì có thể có 1 người bị sẩy thai.

-         Xét nghiệm sinh thiết gai nhau: Là một xét nghiệm dùng kim để sinh thiết các mô gai nhau để làm các xét nghiệm di truyền. Xét nghiệm này có ưu điểm là thực hiện sớm hơn xét nghiệm nước ối vào khoản 11 đến 13 tuần sau khi có kết quả tầm soát 3 tháng đầu thai kỳ hay siêu âm có bất thường sớm. Tuy nhiên xét nghiệm này khó thực hiện hơn và thường chỉ có ở một số trung tâm chẩn đoán trước sinh lớn. Xét nghiệm sinh thiết gai nhau có tỷ lệ sẩy thai cao là 1/100 có nghĩa cứ khoản 100 thai phụ làm xét nghiệm sinh thiết gai nhau thì có thể có 1 người bị sẩy thai.

Có các loại xét nghiệm di truyền nào?

-         Xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ (karyotype): Là xét nghiệm sắp xếp toàn bộ 23 cặp nhiễm sắc thể của người để có thể xác định các bất thường nhiễm sắc thể về mặt số lượng (dư hay thiếu nhiễm sắc thể như hội chứng Down dư 1 nhiễm sắc thể 21) cũng như về mặt cấu trúc (đứt gãy hay dư một phần của nhiễm sắc thể). Tuy nhiên xét nghiệm này tốn rất nhiều thời gian để nuôi cấy và xử lý nên phải đến 3 đến 4 tuần mới có thể trả kết quả gây tâm lý lo lắng cho thai phụ và gia đình khi chờ đợi kết quả.

-         Các xét nghiệm nhanh chẩn đoán bất thường số lượng nhiễm sắc thể: Các xét nghiệm thường gặp như: xét nghiệm FISH hay QF-PCR. Xét nghiệm này có thể chẩn đoán các dị tật thường gặp (chiếm đến 80% bất thường ở trẻ sinh sống) bao gồm hội chứng Down (3 nhiễm sắc thể 21), hội chứng Patau (3 nhiễm sắc thể 13), hội chứng Edward (3 nhiễm sắc thể 18) cũng như các bất thường số lượng của nhiễm sắc thể giới tính như hội chứng Turner (nữ thiếu 1 nhiễm sắc thể X), hội chứng Klinefelter (nam dư 1 nhiễm sắc thể X). Các xét nghiệm này có thể cho kết quả rất nhanh chỉ trong 1 đến 2 ngày giúp giảm lo lắng khi chờ đợi kết quả.

2.3 Tầm soát bệnh lý thiếu máu Thalassemia

Bệnh thiếu máu Thalassemia là gì?

Bệnh thiếu máu Thalassemia là bệnh lý di truyền khiến cơ thể giảm hoặc không sản suất được các globin (một thành phần của tế bào hồng cầu trong của máu). Đây là bệnh phổ biến ở Việt Nam, các nước Đông Nam Á, Nam Á, Trung Quốc, vùng Địa Trung Hải và Châu Phi.  Bình thường, các tế bào hồng cầu được xem như là “xe bồn” có nhiệm vụ chuyên chở dưỡng khí oxy từ phổi đến khắp nơi trong cơ thể, trong đó các globin được ví như là các “bồn chứa oxy” của xe. Khi mắc bệnh thiếu máu Thalassemia các “bồn chứa oxy” này bị “hỏng” nên việc vận chuyển oxy đến cơ thể không được tốt nên gây ra tình trạng thiếu máu. Các tế bào hồng cầu có màu sắc nhạt, kích thước nhỏ và dễ vỡ khiến cho cơ thể yêu cầu tủy xương phải tăng cường sản xuất hồng cầu (nhưng kém chất lượng) nên tạo nên vòng lẫn quẫn của bệnh lý thiếu máu Thalassemia.

Bệnh thiếu máu Thalassemia thể nặng nguy hiểm như thế nào?

Người mắc Thalassemia thể nặng dạng beta sẽ có các biểu hiện thiếu máu như mệt mỏi, da xanh, biểu hiện của sự tan huyết như vàng da, gan lách to, xương biến dạng dễ gẫy do phải tăng sản xuất hồng cầu. Việc điều trị rất khó khăn và gần như không triệt để vì hầu như là phải truyền máu suốt cả đời. Bên cạnh đó cần phải điều trị thải sắt do cơ thể bị ứ sắt với chi phí rất lớn, đôi khi cũng cần phải phẩu thuật cắt lách để có thể kéo dài thời gian giữa 2 lần truyền máu. Một số trường hợp có thể bị phù nhau thai hoặc gây sẩy thai liên tiếp khi bố mẹ đều mang bệnh thể nhẹ dạng alpha Thalassemia.

Tại sao phải tầm soát bệnh thiếu máu Thalassemia?

Việc tầm soát sớm có thể tiên đoán trước khả năng thai có thể mắc bệnh thiếu máu Thalassemia thể nặng hay không?

Có 2 giai đoạn để tầm soát:

-         Tầm soát trước hôn nhân: Nhằm tránh việc kết hôn của 2 người mang gen bệnh thể nhẹ. Những người này hầu như bình thường, không có biểu hiện thiếu máu hay chỉ bị thiếu máu nhẹ, thoáng qua. Tuy nhiên, khi kết hôn họ sẽ có 25% khả năng sinh con mắc bệnh thiếu máu Thalassemia thể nặng. Các xét nghiệm dùng để tầm soát rất đơn giản và rẻ tiền là xét nghiệm công thức máu hay còn gọi là huyết đồ, sẵn có khi khám sức khỏe định kỳ.

-         Tầm soát trước khi sinh: Nhằm tìm kiếm và phát hiện các thai phụ bị thiếu máu để tiếp tục xác định xem thiếu máu này là do bệnh lý thiếu máu Thalassemia hay chỉ là thiếu máu thiếu sắt. Các xét nghiệm tầm soát sẽ được thực hiện tiếp cho chồng của các thai phụ này. Nếu như cả 2 vợ chồng đều mắc bệnh thì thai của họ sẽ có khả năng mắc thiếu máu Thalassemia thể nặng là 25%. Công việc tiếp theo là phải chẩn đoán xem thai có mắc bệnh thiếu máu Thalassemia thể nặng hay không bằng các thủ thuật xâm lấn để lấy các vật liệu di truyền của thai (DNA) như sinh thiết gai nhau lúc thai 11 đến 14 tuần hoặc chọc ối lúc thai trên 16 tuần. Khi thai đã được xác nhận mắc thalassemia thể nặng thì các cặp vợ chồng sẽ được tư vấn di truyền cân nhắc khả năng phải chấm dứt thai kỳ này hay không do không thể điều trị bệnh triệt để mà phải truyền máu và thải sắt suốt cả đời cho bé.

II. TẦM SOÁT SAU SINH (TẦM SOÁT SƠ SINH)

1. Tại sao nên tầm soát sơ sinh?

Tầm soát sơ sinh là xét nghiệm lấy máu gót chân của bé sau sinh 2 ngày để tầm soát rất sớm các bệnh lý hiếm gặp nhưng gây ra tình trạng rất nặng nếu không xử trí và can thiệp kịp thời. Việc điều trị sớm những trẻ này có thể cải thiện sức khỏe, phòng chống chậm phát triển trí tuệ thậm chí tránh được tử vong cho trẻ. Các bệnh lý này đôi khi được phát hiện rất trể hay không phát hiện được trên lâm sàng.

2. Các loại bệnh nào được tầm soát sơ sinh hiện nay?

Có rất nhiều bệnh có thể tầm soát sơ sinh tuy nhiên tùy theo mức độ phổ biến của bệnh, mức độ cần thiết và khả năng điều trị sau sinh mà mỗi quốc gia sẽ có chương trình tầm soát riêng. Tại Việt Nam hiện nay có 3 bệnh được tầm soát thường quy cho các trẻ sơ sinh

2.1 Bệnh suy giáp bẩm sinh

Bệnh chiếm 1/4000 trẻ sinh sống. Các trẻ này không sản xuất đủ chất nội tiết của tuyến giáp khiến cho việc phát triển của bé rối loạn nghiêm trọng kèm theo chậm phát triển trí tuệ. Khi được phát hiện sớm trẻ sẽ được điều trị sớm và đơn giản bằng thuốc trong vòng 2 tuần bé sẽ phát triển hoàn toàn bình thường.

2.2Bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh

Là bệnh lý rối loạn tổng hợp của các chất nội tiết của tuyến thượng thận như cortisol bảo vệ cơ thể khi bị bệnh hoặc sốc, aldosterone giúp cân bằng lượng muối trong cơ thể và androgen nội tiết của nam. Trẻ mắc bệnh này có thể gây rối loạn cân bằng muối và gây nam hóa ở bé gái. Phát hiện sớm và điều trị bằng nội tiết sớm giúp giảm những biến chứng trên tuy nhiên đây là bệnh di truyền nên cần phải theo dõi và điều trị cả đời.

2.3 Thiếu men G6PD

Là bệnh lý khiến cho các hồng cầu dễ bị vỡ khi sử dụng một số loại thuốc hay một số loại thức ăn. Phát hiện bệnh lý này giúp cho việc tránh một số loại thuốc hay thức ăn giúp phòng tránh vỡ hồng cầu hàng loạt gây thiếu máu vàng da nhất là ở trẻ sơ sinh.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>